Sau một thời gian yêu đương, nhiều cặp đôi nảy sinh ý định sống thử trước hôn nhân. Việc sống thử trước hôn nhân cũng có mặt lợi và hại.
Sống thử là gì?
Sống thử là một cụm từ nhằm nói đến những cặp đôi yêu nhau chưa kết hôn nhưng muốn trải nghiệm cuộc sống vợ chồng trước khi tiến tới hôn nhân.
Đây là những người đang còn độc thân và họ tự nguyện cùng nhau “góp gạo thổi cơm chung” để có thể tìm hiểu đối phương, cùng tạo dựng một gia đình nhỏ để có thể dễ dàng đưa ra quyết định kết hôn thực sự hay không.
Sống thử nhằm nói đến những cặp đôi đang yêu nhau chưa kết hôn nhưng muốn chung sống như vợ chồng.
Những người trong mối quan hệ sống thử sẽ không bị phụ thuộc về mặt pháp lý. Tuy họ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không tổ chức hôn lễ và cũng không tiến hành đăng kí kết hôn. Sau khoảng thời gian chung sống với nhau, nếu cảm thấy phù hợp họ sẽ quyết định tiến đến hôn nhân và ngược lại nếu cảm thấy không hài lòng thì cả hai có thể rời đi.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, sống thử vẫn chưa thực sự nhận được sự ủng hộ của nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh, những thế hệ cha ông. Cũng bởi những chuẩn mực xã hội, những quan điểm phong tục truyền thống của nước ta xem trọng phẩm hạnh của người phụ nữ nên việc sống thử vẫn còn đang là vấn đề gặp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Sống thử trước hôn nhân có vi phạm pháp luật không?
Đăng kí kết hôn là một trong các vấn đề quan trọng và cần thiết đối với hầu hết các cặp vợ chồng. Sau khi đăng kí kết hôn, họ sẽ được pháp luật công nhận về mối quan hệ vợ chồng và có những sự ràng buộc về mặt pháp lý trong đời sống hôn nhân. Đồng thời, họ cũng sẽ được gắn liền với những nghĩa vụ và quyền lợi về mặt tài sản, con cái, đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Xét về mặt pháp luật, các cặp nam nữ khi muốn sống chung với nhau như vợ chồng thì nên đăng kí kết hôn để được công nhận một cách hợp pháp và tránh việc tranh chấp sau khi chia tay. Cho đến hiện nay thì việc sống thử giữa các cặp đôi yêu nhau nhưng không đăng kí kết hôn vẫn chưa thực sự được pháp luật quy định và định nghĩa trong Luật Hôn nhân và Gia đình.
Pháp luật hôn nhân và gia đình chỉ bảo vệ các mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, tuy nhiên cũng không có bất kì hình thức nghiêm cấm hay xử phạt đối với những trường hợp nam nữ yêu nhau và chấp nhận về sống chung trước khi kết hôn.
Như vậy có thể thấy rằng, nếu hai người đang trong trạng thái độc thân và tự nguyện về chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng kí kết hôn sẽ không bị nghiêm cấm bởi pháp luật. Nhưng nếu một trong hai hoặc cả hai đã có vợ hoặc chồng thì sẽ được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện tại, ở Việt Nam chưa có luật nghiêm cấm sống thử trước hôn nhân.
Có nên sống thử trước hôn nhân hay không?
Có nên sống thử trước hôn nhân là vấn đề không còn mới nhưng lại là đề tài được nhắc đi nhắc lại với những ý kiến bàn tán trái ngược nhau. Bởi sống thử trước hôn nhân có điểm lợi cũng như điểm hại.
Nhiều cặp đôi chọn sống thử trước hôn nhân bởi muốn tình cảm thêm gắn kết, giảm thiểu chi phí sinh hoạt, yêu đương khi ở gần nhau, giảm nhẹ sự căng thẳng, lo lắng trước hôn nhân, giúp cả hai thấu hiểu nhau nhiều hơn và học cách cùng nhau giải quyết mâu thuẫn.
Tuy nhiên, sống thử có nhiều tác hại bởi khi sống chung, có thể sẽ lộ tính xấu làm đối phương thất vọng, vỡ mộng về cuộc sống đôi lứa, mâu thuẫn nhiều hơn nếu không biết cách giải quyết sẽ dẫn đến chia tay. Đáng nói là việc mang thai ngoài ý muốn sẽ ảnh hưởng đến người phụ nữ bởi nếu họ gặp được người đàn ông muốn kết hôn với mình thì sẽ tổ chức đám cưới. Nhưng nếu bạn trai biết cô gái mang thai và không muốn cưới sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của cô gái.
Có nên sống thử hay không là điều nhiều người băn khoăn.
8 câu hỏi ‘sống còn’ bạn phải trả lời trước khi dọn về sống chung với người yêu
Chính vì vậy trước khi đưa ra quyết định, bạn nên đặt ra những câu hỏi và giải đáp để xem có nên sống thử hay không.
1. Lý do vì sao phải sống cùng nhau?
Khi đưa ra ý tưởng sống thử, bạn nên tự hỏi bản thân mình và người yêu của mình về việc lý do tại sao phải sống cùng nhau. Vì muốn tiết kiệm chi phí thuê nhau, khỏi mất thời gian hẹn hò, đi lại, hay sống thử để có người cơm nước dọn dẹp hoặc làm xe ôm miễn phí?
Nếu chỉ vì những lợi ích ích kỷ của cá nhân, bạn nên xem xét lại, đừng sống thử chỉ vì những lý do trên.
2. Bạn muốn có con chưa?
Hãy nghĩ đến những đứa trẻ có thể được sinh ra trong thời gian sống thử dù bạn có sử dụng biện pháp tránh thai.
Bạn có sẵn sàng giữ em bé để nuôi hay quyết định đi phá thai và có thể gặp rủi ro trong quá trình nạo phá thậm chí nhiều lần.
3. Chúng ta đóng góp và chi tiêu như thế nào?
Tiền là một trong ba nguyên nhân hàng đầu khiến các cặp vợ chồng mâu thuẫn. Cho nên để tránh điều này, khi bạn đang chung nhau tiền bạc trước kết hôn, cần phải rõ ràng về ai quản lý tiền và chủ trì chi tiêu? Nếu mạnh ai nấy tiêu, tiền ai nấy giữ, bạn cũng nên xem xét lại chuyện không nên sống thử.
4. Sử dụng các tài sản chung như thế nào?
Ví dụ, khi sống thử người này có được sử dụng xe máy hoặc tủ quần áo của người kia không? Hoặc có phải làm “xe ôm” hàng ngày không? Mỗi người tham gia vào công việc nội trợ như thế nào? Ai đi chợ, ai nấu cơm, ai rửa bát?
Nếu bạn không có sự phân công rõ rệt thì sau một tháng bạn không cãi nhau về chuyện đó mới là lạ.
5. Chúng ta có quyền kiểm soát nhau đến mức nào?
Sống chung không chỉ chung nhau mọi thứ vật chất mà còn chung cả bạn bè và các mối quan hệ. Chẳng hạn bạn có quyền có bạn khác giới riêng của mình không? Em có quyền biết hôm nay anh đi chơi với ai và ở đâu không?
Kinh nghiệm cho thấy sau một thời gian chung sống, mọi sự trở nên nhàm chán, các mối quan hệ bên ngoài sẽ nảy sinh và phát triển. Người kia có quyền kiểm soát đến mức nào?
6. Kinh tế của người yêu bạn và bạn đã vững vàng hay chưa?
Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm khi sống chung đặc biệt là thời gian sống thử. Nếu bạn chưa có việc làm hoặc người yêu bạn cũng thế thì đừng nên sống thử. Việc sống phụ việc vào tiền bạc của đối phương hoặc khó khăn trong chi tiêu sẽ khiến mỗi quan hệ nhanh chóng tan vỡ.
7. Bố mẹ 2 bên có đồng ý mối quan hệ này, có ủng hộ việc sống thử?
Khi yêu đương, bạn hãy yêu cầu người yêu của mình ra mắt giới thiệu với gia đình. Nếu gia đình 2 bên ủng hộ mối quan hệ này và đồng ý cho sống chung trước hôn nhân thì bạn có thể tự tin ở bên nhau. Tuy nhiên, nếu bố mẹ ngăn cấm, thậm chí chưa biết gì về mối quan hệ này, đừng dại để quyết định sống thử.
8. Điều gì xảy ra nếu chúng ta chia tay?
Lẽ ra không nên nói điều này nhưng trong thực tế, 86% các cuộc “sống thử” kết thúc bằng chia tay nên đôi khi nó là cần thiết.
Chẳng hạn nếu một người ra đi, tài sản nào bạn được giữ lại? Từ xe máy đến tivi, nếu có. Nếu điều này được làm thành văn bản nó sẽ dễ dàng hơn để chia một cách ôn hòa. Nếu hai bạn dọn đến sống cùng nhau như bạn ở chung phòng, thì dù trao trái tim cho người khác, bạn vẫn phải bảo quản tài sản của mình.